Một trong những tình trạng thường gặp trên đôi bàn tay của các bà, các mẹ của chúng ta. BS Trung tìm hiểu và xin chia sẻ cùng mọi người qua bài viết sau, mọi người hiểu và quan trọng là biết cách phòng tránh:
1. Giòn móng là gì?
-Giòn móng (nôm na móng dễ gãy) là một phàn nàn phổ biến ảnh hưởng đến 20% dân số, đặc biệt là các bà, các mẹ và các cô (phụ nữ trên 50 tuổi), với tình trạng móng tay dễ gãy phổ biến hơn móng chân dễ gãy. [1]
2. Đặc trưng của giòn móng là gì ?
-Khô móng, nứt móng, tách móng, chẻ móng, có thẻ mềm móng và mất tính đàn hồi của móng.
-Giòn móng nói chung không đau, tuy nhiên bệnh nhân thường phàn nàn về vấn đề thẩm mỹ và ảnh hưởng chức năng khi sinh hoạt và làm việc. Họ đau nhiều hơn khi móng chẻ sâu và thậm chí vỡ ra, trong y văn có nhiều trường hợp thậm chí cảm thấy trầm cảm.
3. Tại sao chúng ta lại bị giòn móng hay móng dễ bị gãy ?
Móng tay dễ gãy có thể là hậu quả của sự bất thường trong quá trình sinh móng, có thể gây ra bởi tác động của các yếu tố khác gây tổn thương bản móng hoặc có thể không thể tìm được nguyên nhân.
a. Hậu quả của sự bất thường trong quá trình sinh móng
-Bình thường, bản móng là một cấu trúc đặc chắc được tạo thành từ khoảng 25 lớp tế bào sừng liên kết chặt chẽ, độ dày khoảng 0,5-1 mm với bề mặt nhẵn.
-Sự phát triển biểu mô và sự sừng hóa của tế bào sừng của bản móng hướng theo một trục xiên bắt nguồn từ mầm móng gần và khoảng 1/3 bởi mầm móng xa và giường móng.
-Sự phát triển bình thường của móng tay phụ thuộc lớn vào quá trình tạo mạch máu và quá trình viêm.
>Sự rối loạn các quá trình này dẫn đến các bất thường của bản móng.
b. Tác động của các yếu tố khác gây tổn thương bản móng.
Trước hết, tình trạng móng dễ gãy có thể là biểu hiện sinh lý của quá trình lão hóa. Thêm nữa, một số nguyên nhân như viêm móng, nấm móng… hay yếu tố gây chấn thương (trong sinh hoạt cũng như trong nghề nghiệp) sẽ góp phần tác động gây nên tổn thương này.
c. Khi không xác định được nguyên nhân thứ phát, bệnh được xác định là vô căn (không rõ nguyên nhân)
4. Bệnh hay gặp đối tượng, thời gian nào?
Gặp ở cả 2 giới, đặc biệt là đối tượng phụ nữ trên 50 tuổi:
+ Những người thường xuyên rửa tay như bác sĩ, y tá hay các bà nội trợ…
+ Người thường xuyên phải sử dụng găng tay khi làm việc, đặc biệt trong môi trường ẩm ướt như thợ làm tóc, y tá phòng mổ…
+ Tiếp xúc với hoá chất, ví dụ sơn móng tay trong nhiều tháng cũng là một trong những yếu tố thuận lợi cho sự xuất hiện của bệnh
>Bệnh thường xuất hiện và tiến triển từ từ nặng dần lên theo tiến triển của bệnh lý đi kèm hay mức độ tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ nêu ở trên.
5. Biểu hiện của bệnh giòn móng thế nào?
-Ba biểu hiện chính của giòn móng thường gặp là:
+ Nứt móng : các rãnh nông đến sâu chạy song song dọc trên bề mặt bản móng, chiếm từ ít tới hơn 70% diện tích bề mặt. Đôi khi, có thể có một vết nứt dài dọc chiều dài, làm bản móng tách ra làm 2 phần khiến người bệnh phải đi khám vì đau.
+ Tách móng : gây ra bởi sự thiếu hụt các yếu tố liên kết các tế bào của bản móng làm cho các mảnh móng bị tách ra khởi đầu từ bờ tự do đến các bờ bên gây hiện tương tách ngang để lại phần móng còn lại mỏng manh hơn.
+ Dày sừng bản móng : đặc trưng bởi các mảng và vân nhỏ màu trắng vàng tập trung nhiều ở gần bờ tự do của bản móng, thường gặp ở những bệnh nhân sơn móng tay trong nhiều tháng, nhiều năm.
-Số lượng: một hoặc nhiều móng, có thể xuất hiện cùng lúc.
-Vị trí: có thể gặp ở cả móng tay và móng chân, thường gặp ở móng tay nhiều hơn
-Bệnh lý kèm theo: bác sĩ sẽ thăm khám kĩ vì ngoài giòn móng nguyên phát (vô căn), tình trạng này có thể gặp ở rất nhiều các bệnh lý móng và da liễu khác như nấm móng, viêm da cơ địa, vảy nến, lichen phẳng, rụng tóc từng mảng, lậu, giang mai…hoặc các bệnh lý nội khoa toàn thân khác như thiếu máu mãn tính, bệnh lý động mạch, các bệnh rối loạn thần kinh, rối loạn nội tiết hay suy giáp.
Thuốc toàn thân, thiếu hụt dinh dưỡng, tác nhân chấn thương và tính chất công việc cũng sẽ được các được xem xét khi có hiểu hiện tình trạng móng dễ gãy như thế này.
6. Tôi có cần làm xét nghiệm gì không?
-Không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán, bác sĩ da liễu sẽ chủ yếu dựa vào lâm sàng của bạn cùng yếu tố nguy cơ đi kèm để đưa ra chẩn đoán.
-Trong trường hợp bệnh mạn tính kéo dài, bác sĩ có thể cho bệnh nhân làm các xét nghiệm khi có các biểu hiện nghi ngờ các bệnh lý phối hợp, đặc biệt ở những người già.
7. Bệnh sẽ được chẩn đoán thế nào?
Dựa trên tiền sử và biểu hiện lâm sàng phù hợp khi thăm khám:
+ Đặc trưng bởi 3 biểu hiện chính là nứt móng, tách móng và dày sừng bản móng.
+ Xem xét yếu tố dịch tễ nguy cơ là rất quan trọng để định hướng tới bệnh.
+ Thăm khám kĩ để phát hiện bệnh lý kèm theo hay các tình trạng toàn thân khác mà giòn móng là một biểu hiện.
8. Có những bệnh nào khác có biểu hiện giống với chứng giòn móng này cần phân biệt ?
Dựa vào triệu chứng lâm sàng của giòn móng, bác sĩ sẽ phân biệt giữa giòn móng nguyên phát và giòn móng thứ phát do một nguyên nhân hay bệnh lý xác định, từ đó đưa ra các hướng điều trị phù hợp cho bạn.
8. Tôi sẽ được điều trị giòn móng ra sao ?
– Loại bỏ hoặc hạn chế các yếu tố nguy cơ thông qua việc xem xét dịch tễ: ví dụ như hạn chế tiếp xúc với nước và các chất tẩy rửa, hoá chất; lót trong găng tay vải cotton khi sử dụng găng tay cao su; cân nhắc thay đổi công việc trong khả năng
– Điều trị tốt các bệnh lý đi kèm nếu có
– Các thuốc:
Toàn thân:
+ Biotin 5-10 mg/ngày trong 3-6 tháng được chứng minh có hiệu quả.
+ Bổ sung Kẽm 20-30 mg/ngày, bổ sung sắt (cộng với vitamin C) cũng có tác dụng khi mức ferritin dưới 10 ng / ml
Gần đây, các thử nghiệm cho thấy việc sử dụng chế phẩm phối hợp các acid amin, vitamin và khoáng chất cho hiệu quả dung nạp cũng như điều trị tốt hơn so với dùng các chế phẩm đơn độc của các thành phần.
+ Nghiên cứu mới sử dụng một loại “bioactive collagen peptides” đạt hiệu quả cao ở bệnh nhân giòn móng sau 24 tuần điều trị.
Tại chỗ:
+ Dưỡng ẩm móng theo cả 3 cơ chế bít, hút nước và phục hồi hàng rào bảo vệ đều cho kết quả khả quan trong phục hồi móng.
+ Các loại sơn móng tay có thành phần mang tác dụng được khuyến nghị có thể giúp bảo vệ, chống thấm và cải thiện cấu trúc móng.
Ngoài ra còn có một số biện pháp cơ học khác để củng cố và sửa chữa những tổn thương vật lí cũng như cải thiện thẩm mỹ móng cho bệnh nhân.
9. Tôi phải dự phòng giòn móng như thế nào?
+ Hạn chế tiếp xúc và chất tẩy rửa, nếu bắt buộc do yêu cầu công việc, cần có những biện pháp bảo vệ thích hợp.
+ Không nên sơn móng tay.
+ Lót trong găng tay vải cotton khi sử dụng găng tay cao su
+ Trên đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là phụ nữ trên 50 tuổi, những người thường xuyên rửa tay, đeo găng tay hay tiếp xúc với hoá chất như bác sĩ, y tá, các bà nội trợ, thợ làm tóc, công nhân chế biến hải sản…cần theo dõi những biến đổi của móng để tới thăm khám bác sĩ sớm.
27.11.2021
BS Nguyễn Đình Trung
**TÀI LIỆU THAM KHẢO**
[1] Chessa, M.A., Iorizzo, M., Richert, B. et al. Pathogenesis, Clinical Signs and Treatment Recommendations in Brittle Nails: A Review. Dermatol Ther (Heidelb) 10, 15–27 (2020). https://doi.org/10.1007/s13555-019-00338-x